Bị ốm ở Nhật Bản, phải làm sao?
Gọi điện đến tổng đài hỗ trợ
Tại Nhật Bản, đặc biệt là các thành phố lớn, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh dành cho người nước ngoài. Nếu bạn chẳng may bị ốm ở Nhật Bản hoặc cảm lạnh tại đây, hãy gọi điện đến đường dây nóng dành cho khách du lịch JNTO, hoặc Japan Visitor Hotline tại Nhật Bản theo số: 050 - 3816 - 2787 để được hỗ trợ.
Đến các cơ sở y tế tại Nhật Bản
Khi bị ốm ở Nhật Bản hãy đến các cơ sở y tế để khám
Tại các cơ sở y tế vừa và nhỏ ở Nhật Bản có rất đông người bệnh đến thăm khám những căn bệnh nhẹ, do đó nếu không đặt lịch trước, bạn sẽ phải đợi khá lâu mới đến lượt khám. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện hoặc gọi 119. Khi bạn gọi đến tổng đài 119, nhân viên sẽ trả lời bằng tiếng Nhật, tuy nhiên, nếu bạn không thể nói bằng tiếng Nhật hãy sử dụng tiếng Anh để thông báo về tình trạng của mình.
Cách gọi xe cấp cứu
Nếu ở Việt Nam, đường dây nóng gọi cấp cứu và cứu hỏa là 2 số khác nhau, thì ở Nhật, mọi người dùng chung Hotline 119 để hỗ trợ 2 trường hợp trên. Do đó, khi bạn gọi đến hotline này, tổng đài viên sẽ hỏi “Bạn muốn báo cháy hay gọi cấp cứu”, nếu bạn muốn gọi cấp cứu hãy trả lời “Tôi muốn gọi cấp cứu”.
Sau đó truyền đạt chính xác địa chỉ, tình trạng của cơ thể. Cung cấp tên, số điện thoại người gọi.
Lưu ý: Nếu bạn đến khám vào ngày nghỉ lễ, bạn sẽ phải trả thêm tiền phí khám thêm, chưa kể chi phí khám cấp cứu.
Đến gặp bác sĩ tại các phòng khám tư
Trong trường hợp bạn muốn giải quyết nhanh gọn, không phải chờ đợi lâu, phòng khám tư nhân là nơi thích hợp dành cho bạn.
Nếu bạn không biết nói tiếng Nhật, hãy nhờ người dịch hoặc sử dụng Google dịch để diễn đạt tình trạng mình đang gặp phải với bác sĩ. Đồng thời, ghi ra giấy những thông tin cơ bản nhất như: Nhóm máu, tên, tuổi, tiểu sử bệnh, có bị dị ứng với loại thuốc nào không, đã ăn gì,... để việc thăm khám diễn ra thuận lợi.
Mua thuốc uống tại các hiệu thuốc tại Nhật
Đến mua thuốc tại các hiệu thuốc
Trong trường hợp bị ốm ở Nhật Bản nhưng thể trạng không nhất thiết phải đến bệnh viện hoặc nhờ cậy vào bác sĩ, bạn có thể đến nhà thuốc và thông báo về tình trạng của bản thân. Khi đó, các dược sĩ sẽ kê đơn thuốc dành cho bạn.
Một vài hiệu thuốc chất lượng tại Nhật
- Hiệu thuốc Matsumoto kiyoshi
- Hiệu thuốc Tsuruha Drug
- Hiệu thuốc SunDrug
- Hiệu thuốc Cocokarafine
Để tránh những trường hợp bất trắc xảy ra khi vừa chân ướt chân ráo đến Nhật Bản, hãy mang theo bên mình một ít thuốc đau đầu, cảm cúm, hạ sốt (những loại thuốc không bị chính phủ Nhật Bản cấm nhập cảnh) bạn nhé. Vì chi phí thuốc men và khám chữa bệnh tại Nhật cũng rất cao.